Chắc hẳn 2020 là một năm rất dài và khó khăn với nhiều người, do gánh chịu các ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Năm mới 2021 này sẽ là năm mà người người nhà nhà đều phải cố gắng nhiều hơn nữa để mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp của mình. Do đó, bạn cần phải nắm rõ 5 kỹ năng tư duy tương lai cần thiết này, để giúp ích trên con đường phát triển của mình.
- TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence – EI) thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ) của mỗi cá nhân, có thể hiểu là khả năng nhận thức, kiểm soát và thể hiện cảm xúc của bản thân với mọi người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc nhấn mạnh tầm quan trọng của tương tác giữa các nhân viên với nhau trong môi trường làm việc. Nhưng EQ cao thì có lợi ích gì cho công việc, hoặc EQ thấp thì bạn có bất lợi gì? Dưới đây là một số lợi thế và bất lợi đúc kết được:
Người có EQ cao:
- Đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn
- Chịu được áp lực cao
- Giải quyết mâu thuẫn hiệu quả
- Có sự đồng cảm sâu sắc
- Biết cách lắng nghe và phản hồi với những lời phê bình mang tính xây dựng
Người có EQ thấp:
- Cho rằng mình là nạn nhân và không nhận lỗi cho sai lầm của bản thân
- Hung hăng và bị động trong cách giao tiếp
- Từ chối làm việc nhóm
- Hay chỉ trích người khác và khó chấp nhận được những lời phê bình hay góp ý
Có một thực tế là nhiều nhà tuyển dụng ngày nay càng ngày càng đánh giá cao EQ. Kỹ năng cứng và trí thông minh dễ được huấn luyện cho nhân viên hơn, trong khi EQ cần nhiều thời gian và sự hiểu biết hơn để nắm bắt. Kỹ năng trí tuệ cảm xúc tốt cho phép chúng ta hiểu và tương tác với cảm xúc của mình theo cách giúp chúng ta xây dựng các mối quan hệ chất lượng và đưa ra quyết định một cách hiệu quả.
2. SÁNG TẠO
Theo nhà tâm lý học nhận thức Robert J. Sternberg, có thể hiểu sự sáng tạo theo nghĩa rộng là “quá trình tạo ra điều gì vừa mang tính nguyên bản vừa đem lại giá trị”. Trong thực tế công việc thì bạn sáng tạo khi tìm ra cách thức mới hoặc là cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.
Đừng nên nghĩ là chỉ những công việc đặc thù (nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ…) mới cần sáng tạo. Thực chất, sáng tạo là kỹ năng rất quan trọng trong công việc và cuộc sống, giúp cá nhân làm việc và sống tích cực, đạt mục tiêu một cách dễ dàng.
Đặc biệt khi công ty bạn tiến hành brainstorming thường xuyên, chẳng hạn như một lần mỗi tuần, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy số lượng ý tưởng hay mà một người bình thường có thể tạo ra nhằm giúp bạn thực hiện công việc và giúp hoạt động công ty của bạn tốt hơn. Có khả năng sáng tạo, bạn sẽ bẻ gãy tư duy đóng khung, luôn tìm tói và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề, chủ động giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
3. THUYẾT PHỤC
Thuyết phục là kỹ năng gây ảnh hưởng và chi phối đến những lựa chọn, quyết định của con người. Tiến sĩ tâm lý Robert Cialdini đã chỉ ra 6 “vũ khí” gây ảnh hưởng đầy uy lực: cam kết và nhất quán, khan hiếm, đáp trả, bằng chứng xã hội, uy quyền và thiện cảm được đề cập trong quyển “Những Đòn Tâm Lý Trong Thuyết Phục
Trong học tập và làm việc, kỹ năng thuyết phục giúp bạn dễ dàng thuyết phục đối phương tin tưởng, làm theo những suy nghĩ, hành động, quyết định của mình. Đặc biệt khi bạn là một nhà lãnh đạo, kỹ năng thuyết phúc giúp các nhận viên cấp dưới hay các cổ đông trong doanh nghiệp tin tưởng làm theo những hoạch định chính sách của bạn. Nếu bạn là một nhân viên kinh doanh, kỹ năng thuyết phục chính là bí quyết sống còn của sự thành công trong công việc. Bạn gần như thất bại hoàn toàn nếu không có kỹ năng thuyết phục, không thể khiến người khác tin tưởng, nghe, và mua những sản phẩm mà bạn đang giới thiệu. Bởi vậy kỹ năng thuyết phục được xem là chìa khóa của sự thành công.
4. HỢP TÁC
Hợp tác là kỹ năng cùng làm việc trong tập thể qua việc xây dựng, suy nghĩ, đóng góp ý kiến để hướng đến mục tiêu chung của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, thông qua hợp tác mỗi thành viên còn học hỏi được từ điểm mạnh của đồng nghiệp, khắc phục được sai sót và tích lũy thêm kinh nghiệm.
Tỷ phú Warren Buffett – CEO của Berkshire Hathaway từng chia sẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Một doanh nghiệp thành công không chỉ nhờ một CEO cực giỏi, mà còn cần sự hợp tác của các cá nhân, bộ phận trong công ty để đạt được kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, việc hợp tác liên phòng ban sẽ giúp đồng nghiệp thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn, qua đó gia tăng gắn kết nội bộ, cải thiện hiệu quả công việc.
5. THÍCH ỨNG
Đại dịch Covid-19 chưa qua, nhưng nó đã thúc đẩy nhanh hơn hết quá trình chuyển đổi số ở các tổ chức và doanh nghiệp. Theo chia sẻ của bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và Truyền Cảm hứng Hạnh phúc Anphabe trong hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020: “Điểm sáng tích cực mà nhiều CEO chia sẻ đó là Covid-19 đã giúp chuyển biến nhiều thói quen công nghệ trong tổ chức chỉ trong thời gian ngắn, những điều mà lúc bình thường có thể tốn hàng năm trời.”
Quả thực, chúng ta đang sống trong thời đại thay đổi chóng mặt, từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho đến những thay đổi “đột phá” có thể làm đảo lộn mọi hoạt động, công việc và cuộc sống. Chính vì vậy, khả năng thích ứng càng ngày càng trở nên quan trọng, trở thành một trong những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21. Và người đi làm nào có khả năng thích ứng cao thì càng có nhiều cơ hội phát triển cùng với những chuyển đổi của doanh nghiệp.
Cả 5 kỹ năng tư duy nêu trên đều cần thiết để bạn tăng “sức bền”, linh hoạt và thích nghi nhanh với những thay đổi trên thị trường việc làm và trong chính công việc của mình. Chỉ có một điều bất biến, đó là sự thay đổi. Vì vậy, hãy chủ động trang bị, mài giũa thêm những kỹ năng này. Nếu bạn không tự làm mới bản thân liên tục, thì rất có thể bạn sẽ là người bị ”bỏ lại phía sau” trên đường đua sự nghiệp.
(Nguồn: tổng hợp)