Sử dụng paracetamol cho trẻ em giảm đau, hạ sốt không còn là một việc quá lạ lẫm. Tuy nhiên, trẻ em với các chức năng cơ thể còn non nớt dễ dẫn đến ngộ độc paracetamol ở trẻ em nếu như sử dụng quá liều.
Paracetamol còn có tên là Acetaminophen (APAP) là thuốc hạ sốt, giảm đau. Thuốc được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ thập kỷ 60 với đặc tính an toàn và hiệu quả cao ở trẻ em. Khả năng dung nạp thuốc ở trẻ em cao hơn so với người lớn. Nhưng APAP là thuốc thường gây quá liều ở trẻ em do nhiều nguyên nhân. Thuốc có dạng biệt dược chỉ có chứa hoạt chất paracetamol, nhưng cũng có loại chứa paracetamol kết hợp với codein, cafein, vitamin C…
Các dạng bào chế của APAP cũng rất phong phú: viên nén, viên đặt, viên sủi, dạng gói bột, siro,… và có nhiều loại hàm lượng khác nhau dùng cho trẻ em. Nhiều thống kê cho thấy dạng viên nén hàm lượng lớn (500 mg) khi dùng hay gây quá liều và ngộ độc paracetamol ở trẻ em.
Liều dùng thuốc paracetamol cho trẻ em
Paracetamol dành cho trẻ em thường được bào chế dưới dạng gói bột, dạng siro và viên nhét hậu môn, với hàm lượng 80 mg, 150 mg, 250 mg và 300mg:
- Dạng gói bột thường có mùi hương thơm của các loại trái cây, có vị ngọt rất hợp với sở thích của trẻ, trẻ sẽ không sợ khi sử dụng.
- Dạng siro có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự như với dạng gói bột.
- Viên nhét hậu môn được dùng khi trẻ sốt li bì không uống được, bị nôn ói, co giật hay khi trẻ ngủ bố mẹ không muốn đánh thức.
Liều dùng paracetamol thông thường từ 10-15 mg/kg cho một lần uống và tối đa không quá 60 mg/kg trong một ngày. Mỗi ngày uống không quá 4-6 lần, khoảng cách giữa các lần ít nhất là 4h. Khi cho trẻ uống thuốc paracetamol cần phải tuân thủ khoảng cách an toàn giữa hai lần uống, nếu không muốn xảy ra ngộ độc paracetamol ở trẻ em.
Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C (đo nhiệt kế ở nách), nên sử dụng thuốc để hạ cơn sốt. Riêng trẻ nhỏ có bệnh lý về gan, vàng da do tắc mật… thì không được dùng thuốc tại nhà.
Khi dùng thuốc, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn đường tiêu hóa ( như tiêu chảy, nôn) da xanh, ngủ li bì, cần ngừng thuốc ngay lập tức và đưa trẻ đi khám để được theo dõi điều trị kịp thời các biến chứng ngộ độc paracetamol ở trẻ em.
Nguyên nhân ngộ độc paracetamol ở trẻ em
Ngộ độc paracetamol chủ yếu do ba mẹ tự ý mua thuốc hạ sốt cho trẻ ở các quầy, hiệu thuốc bên ngoài khi bé có các triệu chứng sốt cao mà chưa được đi thăm khám với bác sĩ. Nếu nhân viên tư vấn và bán thuốc không nắm rõ tình trạng sức khỏe hiện tại của bé sẽ khó có thể xác định đúng nguyên nhân và từ đó việc đưa ra liều lượng paracetamol không phù hợp cho bé khó tránh khỏi, rất dễ bị ngộ độc paracetamol ở trẻ em.
Nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây ngộ độc paracetamol ở trẻ em là do ba mẹ chưa ý thức hoặc quên lời chỉ dặn từ bác sĩ về liều lượng paracetamol cho trẻ. Ba mẹ không cho con uống thuốc đúng theo liều lượng mà bác sĩ đã kê, nhiều ba mẹ đã tự ý tăng liều lượng cho bé khi thấy bệnh của con chưa đỡ hoặc nhiều trường hợp trẻ hết sốt ba mẹ vẫn dùng paracetamol cho bé và điều này sẽ rất dễ khiến ngộ độc paracetamol ở trẻ em vì trẻ dùng quá liều.
Biểu hiện của trẻ khi ngộ độc paracetamol
Ngộ độc paracetamol ở trẻ em có ít hoặc không có triệu chứng cụ thể trong 24 giờ đầu sau khi dùng quá liều. Các triệu chứng này có thể bao gồm cảm giác mệt mỏi, đau bụng hoặc buồn nôn. Trẻ có thể lơ mơ (hôn mê), mệt lả, sốt cao (có bé chỉ sốt khoảng 38 độ), khó thở, ho khò khè, tim đập nhanh, phản xạ ánh sáng kém, huyết áp tụt, hình ảnh trên phim chụp X-Quang cho thấy phổi bé thông khí kém, gan to, các xét nghiệm máu phản ánh tình trạng men gan cao, bilirubin trong máu tăng cao…
Khi này trẻ cần được nhập viện sớm nếu không sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ có thể hồi phục hoàn toàn khi bị ngộ độc paracetamol trong một vài tuần nếu khi ba mẹ cho bé thăm khám kịp thời với bác sĩ, tuy nhiên một số trường hợp nếu trẻ không được điều trị có thể biến chứng thậm chí là tử vong do ngộ độc paracetamol.
Phòng ngừa quá liều paracetamol ở trẻ
Khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều thông thường giảm sốt cho trẻ là 10 – 15mg/kg cân nặng, ngày uống 3 – 4 lần, và liều tối đa cho trẻ không quá 60mg/kg/ngày. Người lớn mỗi lần uống 500 – 1.000mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi, liều dùng nên thấp hơn do chức năng gan đã kém.
Khi có biểu hiện ngộ độc, bằng mọi cách phải gây buồn nôn, cho uống than hoạt tính giải độc. Trong mọi trường hợp đều cần rửa dạ dày nên tốt nhất là đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.