Thế nào là tiếp xúc gần?
Bộ Y tế khuyến cáo, tiếp xúc gần là tiếp xúc trong khoảng cách dưới 2 m, trong không gian phòng kín.
Con đường nCoV xâm nhập cơ thể
Virus lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus xâm nhập cơ thể qua miệng, mắt hoặc mũi và tồn tại trên các bề mặt hàng giờ đến một vài ngày. Chúng cũng có thể xâm nhập trực tiếp vào phổi khi bạn hít phải.
nCoV sinh sôi trong cơ thể như thế nào?
Từ mũi, họng, virus chui sâu vào màng nhầy cổ họng. Các protein hình gai trên bề mặt virus giúp chúng bám vào các tế bào, xâm nhập qua màng tế bào. Sau đó virus tự nhân bản, xâm nhập tế bào tiếp theo, lây lan khắp các cơ quan nội tạng.
Triệu chứng nhiễm nCoV theo từng ngày
Bệnh nhân Covid-19 thường phát triển các triệu chứng khoảng 5 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Có người không có triệu chứng. Ban đầu bệnh nhân biểu hiện triệu chứng sốt và ho, sau 10 ngày bệnh trở nặng, thời gian hồi phục trung bình là 17 ngày.
Ngày 1
Bệnh nhân bị sốt, có thể cảm thấy mệt mỏi, đau cơ và ho khan. Một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy hoặc buồn nôn từ 1-2 ngày trước đó.
Ngày 5
Bệnh nhân có thể bị khó thở, đặc biệt nếu là người cao tuổi hoặc có tiền sử mắc bệnh lý.
Ngày 7
Trung bình đây là thời gian bệnh nhân thường nhập viện, theo nghiên cứu của Đại học Vũ Hán.
Ngày 8
Bệnh nhân mắc bệnh nặng (15% người bệnh rơi vào hoàn cảnh này, theo CDC Trung Quốc) với sự phát triển hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS), thường xảy ra khi chất lỏng tích tụ ở phổi. ARDS dễ gây tử vong.
Ngày 10
Nếu các triệu chứng của bệnh nhân trở nên tệ hơn, đây được coi là thời gian xâm nhiễm thêm bước mới. Bệnh nhân có khả năng được chuyển vào phòng săn sóc tích cực. Các bệnh nhân này có thể bị đau bụng, mất cảm giác ngon miệng hơn so với những người mắc bệnh nhẹ. Chỉ một phần nhỏ tử vong ở giai đoạn này, ước tính khoảng 2%.
Ngày 17
Thời gian trung bình cho những người phục hồi sau nhiễm virus, sau đó người bệnh được xuất viện.
Tại sao nCoV khó tiêu diệt?
nCoV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người mà nạn nhân không hay biết. Ngay khi tiến vào đường thở, chúng điều khiển tế bào tạo ra hàng triệu bản sao của chính nó. Trước khi vật chủ đầu tiên phát triển triệu chứng, virus đã kịp phát tán bản sao đi khắp nơi và chuyển sang nạn nhân tiếp theo. Virus này gây chết người ở một số ca nhưng lại diễn biến nhẹ ở nguời bệnh khác, khiến cách ly trở nên không hoàn toàn hiệu quả. Chúng ta vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn nCoV.
Con người có tự đề kháng được nCoV?
Dù nhiều người sau khi nhiễm bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng y học chưa có bằng chứng về việc tự đề kháng.
Phân biệt cúm thường với cúm corona?
Cảm lạnh: Triệu chứng chủ yếu xảy ra phần đầu: mắt mũi. Cúm thường và Covid-19: Triệu chứng toàn thân, sốt hoặc không sốt, đau họng, ho hoặc không, mệt mỏi, khó thở. Đôi khi triệu chứng giống nhau nên bạn cần quan tâm yếu tố nguy cơ như bạn có về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh Covid-19.
Người nguy cơ cao nhiễm nCoV?
Người đi về vùng dịch, người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, nhóm người làm việc trong những môi trường tiếp xúc gần bệnh nhân như y bác sĩ, tài xế… có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Phân biệt F0, F1, F2, F3, F4
F0 là người nhiễm Covid-19
F1 là người nghi nhiễm, tiếp xúc với F0
F2 là người tiếp xúc với F1
F3 là người tiếp xúc với F2
Có mấy hình thức cách ly?
Việt Nam có 4 vòng cách ly.
– Người nhiễm nCoV (F0) sẽ phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.
– Người tiếp xúc với người nhiễm nCoV (F1) sẽ phải cách ly tại cơ sở y tế.
– Người tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2) và người từ vùng dịch về hoặc nhập cảnh Việt Nam (từ 21/3) phải cách ly tập trung bắt buộc.
– Người tiếp xúc với F2 có thể cách ly tại nhà.
Việc cách ly quyết liệt mang lại lợi ích gì?
Cách ly quyết liệt sẽ giảm tổn thất cho xã hội. Việc cách ly một khu phố, một tòa nhà… không tốn kém bằng việc để dịch bệnh lây lan. Chi phí sinh hoạt cho 10.000 người như ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) có thể rẻ hơn rất nhiều so với chi phí điều trị 1.000 người mắc bệnh.
Quan điểm phòng chống dịch của Việt Nam là phân tuyến điều trị bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế vận chuyển lên tuyến trên; giảm mật độ cách ly để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm quá tải cho nhân viên y tế.
Ai phải cách ly tập trung?
Người (F1) tiếp xúc gần với người bệnh (F0) và toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam từ 21/3 phải cách ly tập trung. Một số địa phương như Hà Nội nâng mức cách ly tập trung đối với F2, F3.
Ai phải cách ly tại nhà?
Là người (F2, F3, F4, F5) không có triệu chứng nghi nhiễm nCoV song tiếp xúc gần với người nguy cơ nhiễm bệnh.
Cách ly tại nhà như thế nào?
Người cách ly không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú; giữ phòng thoáng khí, vệ sinh phòng thường xuyên, không ăn chung và tiếp xúc với người thân; tự đo nhiệt độ 2 lần một ngày (sáng, chiều), ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Người cách ly thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
Khử khuẩn nơi cách ly tại nhà
Phòng cách ly tại nhà cần được khử trùng hàng ngày, lau thường xuyên tất cả bề mặt nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật, thang bộ…
Trường hợp nào được rút ngắn thời gian cách ly?
Thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày, chưa có quy định rút ngắn. Tuy vậy, người đang cách ly tại cơ sở tập trung, sau 3 ngày đã xét nghiệm âm tính có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng.
Có được chọn nơi cách ly không?
Địa điểm cách ly phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của địa phương và sự điều phối của cơ quan chức năng. Người cách ly nên trao đổi với cán bộ điều phối để có thông tin cụ thể.
Được phép mang những gì vào khu cách ly?
Bạn có thể mang theo hầu hết đồ dùng cá nhân thiết yếu và gọn nhẹ. Tuy vậy, vì phải sống trong tập thể, các vật dụng chiếm nhiều diện tích, ảnh hưởng người xung quanh như loa đài âm lượng lớn… sẽ bị hạn chế.
Chi phí khi cách ly
Người cách ly không phải trả chi phí nếu cách ly tập trung trong các cơ sở được chỉ định. Người cách ly tự nguyện trả chi phí nếu cách ly trong các khách sạn theo yêu cầu.
Chính sách cách ly với khu chung cư, khu dân cư có người nhiễm bệnh
Các khu dân cư, tòa nhà có thể bị phong tỏa toàn bộ, hoặc một phần tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bệnh nhân. Cơ quan y tế sẽ khử trùng hàng ngày, kiểm soát người ra vào, chính quyền tiếp viện thực phẩm cho người dân.
Rửa tay đúng cách
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong tối thiểu 30 giây, đảm bảo 6 bước cơ bản để làm sạch từ mu bàn tay, kẽ tay, đến lòng bàn tay, các ngón tay.
Bao lâu nên rửa tay một lần?
Không có thời gian cố định nên bao lâu rửa tay một lần, nhưng cơ quan y tế khuyến cáo bạn nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt lạ hoặc bề mặt nơi công cộng như nút bấm thang máy, tay nắm cửa…
Vì sao rửa tay lại phòng được corona?
Corona virus gồm những phân tử chất béo lipid, protein và RNA. Trong đó, phân tử chất béo là vỏ bọc bảo vệ virus, đồng thời là chất keo hỗ trợ chúng xâm nhập cơ thể người. Xà phòng có chứa phân tử amphiphile, có thể hoà tan chất keo của virus, khiến chúng không bám dính được trên bề mặt da. Xà phòng kết hợp với nước sẽ phá huỷ cấu trúc của virus, đẩy chúng bong tróc khỏi da tay.
Có cần đeo găng tay khi đến nơi công cộng?
Đeo găng tay không ngừa được nCoV, bạn vẫn nên rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt lạ, môi trường công cộng.
Dung dịch rửa tay, sát khuẩn CloraminB giúp ích gì trong phòng chống Covid-19?
Dung dịch rửa tay, CloraminB giúp sát khuẩn và diệt một số loại virus, hạn chế nguy cơ nhiễm nhiều loại bệnh trong bối cảnh nCoV đang lan truyền.
Khử trùng nhà cửa thế nào?
Chuyên gia y tế khuyên nên khử khuẩn các bề mặt và vật dụng hàng ngày theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Những nơi thường xuyên chạm vào như mặt bàn, tay nắm cửa, dụng cụ cầm tay, bàn, nhà vệ sinh, vòi, bồn rửa cần được ưu tiên khử khuẩn. Bạn có thể dùng các các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc pha chất tẩy bồn cầu theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để lau các bề mặt. Với các bề mặt không chịu nước như điều khiển điều hòa, ti vi, công tắc đèn, máy tính, các thiết bị điện tử khác… bạn có thể dùng cồn 70% để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên không rửa lại với nước; nhớ ngắt điện trước khi khử khuẩn.
Ai cần đeo khẩu trang?
Sử dụng khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm nCoV, đang chăm sóc người nghi nhiễm, làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm.
Hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách
Bạn nên che miệng và mũi bằng khẩu trang, đảm bảo không có khoảng trống giữa mặt và khẩu trang; tránh chạm vào khẩu trang khi sử dụng; thay khẩu trang mới khi bị ẩm; gỡ khẩu trang từ phía sau và vứt ngay vào thùng kín rồi rửa tay bằng xà phòng.
Trường hợp không có khẩu trang, bạn nên dùng bàn tay, khuỷu tay, khăn giấy, khăn mặt để che kín mũi miệng khi ho, hắt xì.
Những loại khẩu trang phòng dịch
Người bình thường chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Người tiếp xúc với bệnh nhân, khu vực nguy cơ cao dùng khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng khác.
Khử khuẩn, hoặc tái sử dụng khẩu trang y tế
Khẩu trang y tế được xịt dung dịch khử trùng, cho vào lò vi sóng công suất 800W trong vòng một phút, là có thể tái sử dụng.
Những ai được nhập cảnh Việt Nam hiện nay?
Từ 22/3, Việt Nam dừng nhập cảnh với người nước ngoài. Cán bộ ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao có thể được xem xét nhập cảnh, tuy nhiên phải khai báo y tế và cách ly đủ 14 ngày tại cơ sở lưu trú.
Từ 25/3, sân bay Tân Sơn Nhất dừng nhập cảnh với toàn bộ hành khách.
Từ 26/3, sân bay Nội Bài dừng nhập cảnh với toàn bộ hành khách.
Chính sách kiểm dịch tại sân bay, cửa khẩu
Hành khách nhập cảnh phải kê khai y tế trên mạng hoăc tờ khai giấy, kiểm tra thân nhiệt trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Cơ quan y tế đưa hành khách về khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nCoV.
Các đường bay quốc tế nào còn được khai thác?
Trừ đường bay đến Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam vẫn cấp phép cho các hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác các đường bay quốc tế. Tuy vậy, từ 25/3, các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế, chỉ duy trì một số chuyến bay cho các nhiệm vụ đặc biệt.
Công dân Việt Nam từ quốc gia nào trở về sẽ bị cách ly?
Từ 21/3, mọi công dân Việt Nam về từ các nước trên thế giới phải cách ly tập trung đủ 14 ngày. Riêng cán bộ ngoại giao, công vụ hoặc trường hợp đặc biệt như chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động chất lượng cao đc cách ly tại cơ quan hoặc cơ sở lưu trú.
Có an toàn nếu đi du lịch nước ngoài thời gian này?
Nhiều quốc gia vẫn mở cửa đón khách vì đất nước chưa phong tỏa và các ca nhiễm Covid-19 không nhiều. Tuy nhiên, bạn không nên đi du lịch thời điểm này vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn lây bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.
Đi du lịch hiện nay có vé máy bay giá rẻ, giá phòng khách sạn thấp nhưng bạn phải đánh đổi bằng tâm lý bất an. Bạn cũng không biết được ngày nào các điểm tham quan hay biên giới bị đóng cửa, ở đâu bị kỳ thị…
Vấn đề quan trọng khác là các hãng bay hủy hoãn chuyến liên tục. Chẳng hạn, hãng Emirates bị Cục hàng không dân dụng Việt Nam không cho phép chở bất kỳ du khách nào vào Việt Nam từ 12 giờ ngày 19/3, chỉ còn lại các chuyến bay rời khỏi Việt Nam. Nếu không may mua vé của hãng này, bạn sẽ khó khăn nếu muốn về nước.
Bạn cũng dễ phải vào khu cách ly ở các nước khác nếu không may đi qua vùng dịch, hoặc bị cách ly khi quay về Việt Nam.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng có an toàn?
Phương tiện công cộng ở Hà Nội, TP HCM như xe buýt, tàu hỏa, máy bay thường xuyên được khử khuẩn, hành khách phải khai báo y tế. Tuy vậy, bạn vẫn nên mang khẩu trang, hạn chế giao tiếp, tránh tối đa nguy cơ dịch từ mắt, mũi, miệng người lạ bắn vào bạn.
Tránh lây nhiễm trên máy bay như thế nào?
Ngồi gần cửa sổ, bay vào giờ thấp điểm, mang theo khăn giấy, nước rửa tay khô dung tích dưới 100 ml, hạn chế di chuyển, nói chuyện, hạn chế sử dụng báo, chăn… là những cách giúp bạn hạn chế nguy cơ nhiễm nCoV.
Như thế nào là ‘cách biệt cộng đồng’, ‘cách biệt xã hội’?
“Cách biệt cộng đồng” hay “cách biệt xã hội” là biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm không dùng thuốc, nhằm hạn chế hoặc chặn đà lây lan dịch bệnh. Mục tiêu của “cách biệt cộng đồng” là giảm khả năng tiếp xúc giữa người mang bệnh với người khỏe, giảm tối đa khả năng truyền nhiễm, cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Các hình thức chính của “cách biệt cộng đồng” gồm đóng cửa trường học, cấm tập trung và tổ chức các sự kiện đông người, làm việc từ xa và yêu cầu người dân không rời khỏi nhà. Giao thông cũng có thể bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Phương pháp này có hiệu quả nhất với bệnh dịch truyền nhiễm qua tiếp xúc giọt lỏng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp giữa người với người, cũng như với các bệnh lây qua không khí.
“Cách biệt cộng đồng” sẽ ít hiệu quả với những bệnh lây qua nguồn nước hoặc thực phẩm, cũng như có vật truyền nhiễm như muỗi và côn trùng. Nhược điểm chính là ảnh hưởng tới các lợi ích trong tương tác trực tiếp giữa người với người, khiến người dân dễ cảm thấy cô đơn và giảm hiệu suất làm việc. Nền kinh tế cũng dễ hứng chịu tác động xấu vì ” cách biệt cộng đồng” khi nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc không có khách hàng.
Nguyên tắc an toàn cho nhân viên văn phòng
Bạn nên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Qua bàn tay, virus có thể lây lan nên bạn tránh bắt tay. Các công sở nên sắp xếp nhân viên làm việc tại nhà thay vì tại văn phòng để giảm tiếp xúc đông người.
Nguyên tắc an toàn nơi công cộng
Nếu bạn không có triệu chứng nào như sốt, ho hoặc cảm lạnh, bạn có thể đi ra nơi công cộng. Bạn vẫn có thể đi dạo, mua sắm song cần giữ khoảng cách trên 2 m với người khác, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay.
Tôi nghĩ mình bị nhiễm nCoV, tôi nên làm gì?
– Khai báo tình trạng sức khoẻ thông qua ứng dụng NCOVI trên điện thoại. – Thông báo với nhà chức trách qua đường dây nóng Bộ Y tế 19009095 – 1900 3228, đường dây nóng các bệnh viện hoặc sở Y tế các địa phương.
– Thông báo cho những người tiếp xúc gần trong 14 ngày qua, để khai báo y tế và có biện pháp cách ly phù hợp.
Các loại xét nghiệm Covid-19
Việt Nam đang áp dụng 3 kỹ thuật xét nghiệm Covid-19: xét nghiệm nhanh đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu; xét nghiệm miễn dịch học (ELISA) đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu; xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để phát hiện ARN của virus corona trong bệnh phẩm đường hô hấp. Trong đó, kỹ thuật sinh học phân tử cho kết quả chính xác nhất. Theo quy định của Bộ Y tế, mẫu bệnh phẩm ban đầu sẽ được xét nghiệm nhanh, nếu cho kết quả dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm sinh học phân tử để khẳng định có nhiễm Covid-19 hay không.
Những địa chỉ xét nghiệm Covid-19
22 cơ sở được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19:
1. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
2. Viện Pasteur TP HCM
3. Viện Pasteur Nha Trang
4. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên
5. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội
6. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng
7. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Cần Thơ
8. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Yên Bái
9. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lào Cai
10. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh
11. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
12. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
13. Bệnh viện Chợ Rẫy
14. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
15. Bệnh viện Trung ương Huế
16. Bệnh viện Nhi Trung ương
17. Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
18. Bệnh viện Bạch Mai
19. Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
20. Viện Y học Dự phòng quân đội
21.Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga
22. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tôi có thể tự mua kit thử nCoV không?
Bạn không thể tự thử nCoV tại nhà vì để sử dụng, ngoài yêu cầu chuyên môn về lấy mẫu còn phải có thiết bị nhận dạng ARN virus trong bệnh phẩm.
Mất bao lâu để biết kết quả xét nghiệm?
Theo quy định của Bộ Y tế, thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi có kết quả trong 24 giờ.
Bệnh nhân Covid được điều trị thế nào?
Bộ Y tế Việt Nam đang điều trị bệnh nhân Covid-19 theo triệu chứng, giữ phòng bệnh thông thoáng, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. Hội đồng chuyên môn y tế khẳng định vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính.
Theo quy định của Bộ Y tế, thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi có kết quả trong 24 giờ.
Chi phí xét nghiệm Covid-19
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A (Covid-19 là bệnh thuộc nhóm A) được khám và điều trị miễn phí.
Hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện
Người dân chủ động khai báo y tế thông qua hai hình thức là tải ứng dụng NCOVI hoặc truy cập địa chỉ tokhaiyte.vn, từ ngày 10/3.
Bệnh nhân Covid được điều trị thế nào?
Bộ Y tế Việt Nam đang điều trị bệnh nhân Covid-19 theo triệu chứng, giữ phòng bệnh thông thoáng, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. Hội đồng chuyên môn y tế khẳng định vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính.
Các địa chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại các bệnh viện do Bộ Y tế chỉ định. Phương châm của Bộ Y tế là “điều trị tại chỗ”, tức bệnh nhân phát hiện ở đâu sẽ điều trị tại cơ sở y tế địa phương ở đấy. Bệnh nhân nặng, cần trang thiết bị đặc biệt sẽ được chuyển tới bệnh viện trung ương hoặc thành phố. Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ tiếp nhận các ca bệnh nặng khu vực phía Bắc, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận khu vực miền Trung và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận các ca nặng khu vực miền Nam.
Người nhiễm bệnh ăn uống thế nào?
Chế độ ăn uống của bệnh nhân Covid-19 do bệnh viện chỉ định, phù hợp tình trạng bệnh lý của bệnh nhân
Sau khi khỏi bệnh khả năng tái phát thế nào?
Hiện chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào về khả năng tái phát Covid-19. Một nghiên cứu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho thấy khoảng 14% bệnh nhân khỏi nCoV sau đó xét nghiệm dương tính trở lại. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân. Giới chức y tế cho rằng có thể bệnh nhân khi xuất viện vẫn chưa bình phục hoàn toàn.
Thời gian điều trị bệnh mất bao lâu?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê khoảng 80% người bệnh hồi phục mà không cần sự can thiệp điều trị nào từ chuyên gia. Khoảng 1/6 là ca bệnh nặng. Những người mắc bệnh nhẹ sẽ hồi phục sau khoảng hai tuần. Bệnh nhân nặng hơn có thể phải mất từ 3 đến 6 tuần chữa trị.
Chi phí khám chữa Covid-19 với người Việt Nam và nước ngoài
Người Việt Nam được miễn phí điều trị. Người có bảo hiểm y tế sẽ do bảo hiểm y tế chi trả. Người không có bảo hiểm y tế sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Người nước ngoài phải tự trả phí điều trị.
Đã có vaccine chữa Covid-19 hay chưa?
Thông thường để sản xuất thành công vaccine phải mất 1-2 năm hoặc lâu hơn. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang gấp rút phát triển vaccine Covid. Ba nước Mỹ, Trung Quốc và Anh bắt đầu thử nghiệm trên người. WHO thông báo có thể 18 tháng nữa có vaccine Covid đầu tiên.
Người dân có thể đăng ký tình nguyện thử nghiệm vaccine không?
Việt Nam đang nghiên cứu vaccine Covid-19. Nếu điều chế thành công, vaccine qua nhiều bước thử nghiệm an toàn (trong phòng thí nghiệm, trên động vật, trên người…). Hiện Việt Nam chưa có chương trình thử nghiệm trên người.
Việt Nam có sản xuất được vaccine Covid-19 hay không?
Việt Nam đang phát triển vaccine ngừa Covid-19. Dự án nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 sử dụng protein nên thời gian có thể ngắn hơn so với công nghệ tổng hợp gene, dự kiến có kết quả trong 12 tháng.
Thuốc sốt rét chloroquin có tác dụng ngừa virus?
Chloroquine là thuốc điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ… Loại thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, người dân không được tự ý sử dụng. Việt Nam chưa dùng chloroquine để điều trị Covid-19. Bộ Y tế cũng chưa khuyến cáo dùng thuốc này để dự phòng Covid-19.
Vitamin C có khả năng chống nCoV?
Vitamin C không có tác dụng phòng nCoV, chỉ hỗ trợ cơ thể tăng sức đề kháng.
Tỏi có tác dụng diệt virus hay không?
Tỏi không có tác dụng diệt virus.
Covid-19, Corona, NCoV, SARS-CoV-2 là gì?
Covid-19 là tên do Tổ chức Y tế thế giới đặt cho dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, trong đó “co” là viết tắt của corona, “vi” là virus và “d” là dịch bệnh (disease).
Corona, NCoV, SARS-CoV-2 là chủng virus, trong đó corona là họ chung. NCoV là chủng mới của virus corona, tuy nhiên, khi giải trình tự gene thấy nCoV có nhiều điểm chung với virus gây dịch viêm phổi SARS (SARS-CoV) nên các nhà khoa học sau đó đặt lại tên nCoV là SARS-CoV-2.
Các cấp độ công bố dịch ở Việt Nam
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có ba cấp độ công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Khi dịch xảy ra tại một tỉnh thì Bộ Y tế công bố theo đề nghị của địa phương.
Khi dịch lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ con người, Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ Y tế.
Khi dịch lây lan diện rộng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; nếu thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điều kiện công bố hết dịch ở Việt Nam
Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định việc công bố hết dịch truyền nhiễm phải đáp ứng hai tiêu chí: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Phụ lục Quyết định 02/2016 của Thủ tướng liệt kê 26 bệnh truyền nhiễm được công bố hết dịch nếu không phát hiện thêm ca bệnh mới từ 7 đến 60 ngày, tùy bệnh. Tuy nhiên, văn bản đang có hiệu lực này được ban hành từ tháng 1/2016, vì thế chưa có tên dịch Covid-19 mà chỉ có “Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV)” với thời gian là 28 ngày.
Người lao động bị ngừng việc vì dịch bệnh có được trả lương?
Người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của Covid-19 được hưởng lương cao hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng.
Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn khiến không đủ việc làm thì có thể chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng. Trường hợp ngừng việc kéo dài, chủ doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận hoãn hợp đồng lao động.
Mức lương tối thiểu theo vùng hiện nay là từ 3.070.000 đồng (với vùng IV là các khu vực ngoại thành, huyện xa trung tâm) đến 4.420.000 đồng (vùng I là các thành phố, đô thị lớn).
Làm việc tại nhà có được tính lương ngoài giờ?
Việc bạn làm ở nhà theo yêu cầu của doanh nghiệp không được tính là làm ngoài giờ và tính thêm lương nếu thời gian làm việc không quá 48 giờ trong một tuần. Nếu làm việc quá 48 giờ trong một tuần, bạn sẽ được xác định là làm thêm giờ và được tính thêm lương đối với số giờ vượt quá.
Che giấu hoặc làm lây lan bệnh bị phạt như thế nào?
Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nghiêm cấm các hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm hoặc làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch sẽ bị phạt từ một đến 2 triệu đồng. Nếu khai báo gian dối để lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015; mức phạt từ một đến 12 năm tù hoặc phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng.
Không đeo khẩu trang nơi công cộng có bị phạt?
Bộ Y tế đã khuyến nghị cá nhân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đây được xác định là yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan y tế.
Người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan nCoV còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng theo điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Vnexpress