SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG VIÊM PHỔI MẮC PHẢI TẠI CỘNG ĐỒNG

Viêm phổi mắc phải cộng đồng là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng tại chỗ, toàn thân hoặc tử vong

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng là gì?

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (community acquired pneumonia) là tình trạng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.

Tác nhân gây viêm phổi có thể là các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,nấm, nhưng không phải do trực khuẩn lao.

Tỷ lệ mắc chung của Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng khoảng 5.16- 6.11/1000 người trong năm và tăng theo tuổi. Mùa hay gặp là mùa đông. Nam gặp nhiều hơn nữ. Tử vong do viêm phổi mắc phải ở cộng đồng hay gặp ở nhóm phải nhập viện điều trị, tỷ lệ tử vong chung lên tới 28% mỗi năm.

Viêm phổi có thể ở mức độ nghiêm trọng từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Nó nghiêm trọng nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi và những người có vấn đề về sức khỏe hoặc hệ thống miễn dịch yếu.

Nguyên nhân gây viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Nguyên nhân viêm phổi mắc phải ở cộng đồng tùy thuộc từng vùng địa lý, song Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân hay gặp nhất trên thế giới. 

Các căn nguyên vi khuẩn khác thường gây viêm phổi tại cộng đồng có thể kể đến như: H. influenzae, M. pneumoniae, C. pneumoniae, Legionella, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Enterobacter, Serratia spp., Proteus spp., và Acinetobacter spp., Streptococcus nhóm A, vi khuẩn kị khí, Neisseria meningitidis, Francisella tularensis (tularemia), C. burnetii (Q fever), và Bacillus anthracis. 

Virus thường gây bệnh có thể kể đến như: Influenza virus, Parainfluenza virus, Adenovirus, Severe acute respiratory syndrome (SARS), coronavirus khác: Human coronavirus, Avian influenza,…

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng cũng có thể do nấm: Cryptococcus spp., Histoplasma capsulatum, Coccidioides spp., Aspergillus spp., Pneumocystis jiroveci. 

Căn nguyên vi sinh dẫn đến viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Triệu chứng lâm sàng của viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

– Khởi phát đột ngột với sốt cao 39 – 40 độ C, rét run.

– Đau ngực: Thường có, đôi khi là triệu chứng nổi bật, đau bên tổn thương.

– Lúc ho mới xuất hiện: ho khan, tăng dần, về sau ho có đờm đặc, màu vàng, xanh hoặc màu gỉ sắt. Có khi nôn, chướng bụng, đau bụng.

– Khó thở: Thở nhanh, tím môi đầu chi.

– Có các dấu hiệu:

+ Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao, hơi thở hôi, môi khô lưỡi bẩn.

+ Hội chứng đông đặc ở phổi, ran ẩm, ran nổ bên tổn thương.

+ Dấu hiệu gợi ý viêm phổi do phế cầu: Mụn Herpes ở mép, môi, cánh mũi…

+ Trường hợp đặc biệt: Người nghiện rượu có thể có lú lẫn, trẻ con có co giật, người cao tuổi triệu chứng thường không rầm rộ, có khi bắt đầu bằng lú lẫn, mê sảng (tỷ lệ tử vong cao do suy hô hấp cấp, hạ nhiệt độ).

+ Thể không điển hình: Biểu hiện ho khan, nhức đầu, đau cơ. Khám thường không rõ hội chứng đông đặc; thấy rải rác ran ẩm, ran nổ. X-quang phổi tổn thương không điển hình (mờ không đồng đều, giới hạn không rõ hình thuỳ).

Phác đồ điều trị kháng sinh cho viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Nguyên tắc chung

– Xử trí tuỳ theo mức độ nặng.

– Điều trị triệu chứng.

– Điều trị nguyên nhân: Lựa chọn kháng sinh theo căn nguyên gây bệnh,

nhưng ban đầu thường sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi người bệnh, các bệnh kèm theo, các tương tác, tác dụng phụ của thuốc.

– Thời gian dùng kháng sinh: Từ 7 đến 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.

Điều trị ngoại trú

Với người bệnh người bệnh khỏe mạnh không điều trị kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây, sử dụng:

+ Amoxicillin 500 mg uống 3 lần/ngày. Hoặc amoxicillin 500 mg tiêm tĩnh mạch 3 lần/ngày, nếu người bệnh người bệnh không uống được.

+ Hoặc macrolid: Erythromycin 2 g/ngày hoặc clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày

+ Hoặc doxycyclin 200mg/ngày sau đó dùng 100mg/ngày.

Ở người bệnh người bệnh có bệnh phối hợp như: Suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, bệnh tiểu đường, bệnh ác tính, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc có điều trị kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây:

+ Fluoroquinolon (moxifloxacin (400mg/ngày), gemifloxacin (500 –700mg/ngày), hoặc levofloxacin (500-750mg/ngày).

+ Hoặc kết hợp một Beta-lactam có tác dụng trên phế cầu: 

  1. Amoxicillin liều cao (1g x 3 lần/ngày) hoặc amoxicillin-clavulanate (1g x 3 lần/ngày), 
  2. hoặc cefpodoxim (200mg 2 lần/ngày), hoặc cefuroxim (500 mg x 2 lần/ngày)

Kết hợp (1) hoặc (2) với một macrolid (ví dụ kết hợp với azithromycin 500 mg/ngày trong ngày đầu tiên, tiếp theo dùng 250mg/ngày trong 4 ngày hoặc clarithromycin 500mg, 2 lần/ngày)

Có thể dùng doxycyclin thay thế cho macrolid.

– Đảm bảo cân bằng nước – điện giải và thăng bằng kiềm – toan.

Những lưu ý khác dược sĩ cần biết

Cần khuyên bệnh nhân nhập viện điều trị ngay, nếu bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng điển hình của viêm phổi và có từ 2 trong các yếu tố sau:

  • Có biểu hiện lú lẫn
  • Nhịp thở > 30 lần/phút
  • Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≤ 60 mmHg
  • Người già từ 65 tuổi trở lên
  • Người có chức năng thận suy giảm, bệnh về gan thận
  • Người bị suy giảm miễn dịch
  • Người sau phẫu thuật cắt lách

Nguồn: Hướng dẫn sử dụng kháng sinh- Bộ Y Tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi cho QT Pharma
Gọi cho QT Pharma

Chat Zalo
Chat Zalo

Gửi Mail
Gửi Mail