Người mắc đái tháo đường có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Trước diễn biến dịch phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều người Đái tháo đường băn khoăn với câu hỏi: Liệu có được tiêm vaccine phòng COVID-19 không và khi tiêm thì cần lưu ý điều gì?

PGS.TS.Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sẽ giúp bệnh nhân giải đáp những thắc mắc này.

Bệnh Đái tháo đường trước nguy cơ đại dịch COVID-19

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc ĐTĐ có thể gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

PGS.TS.Tạ Văn Bình cho biết: Ở người mắc bệnh ĐTĐ thì hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nhiều so với người không mắc bệnh. Người mắc bệnh ĐTĐ càng lâu, có nhiều biến chứng, thì nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng càng cao (nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus…). 

Người bệnh Đái tháo đường nên được tiêm vaccin COVID 19 càng sớm càng tốt

Do hệ miễn dịch suy giảm, nên khi bị nhiễm virus, người ĐTĐ lại cũng dễ bị nhiễm trùng thứ phát, tức là dễ bị “bệnh chồng bệnh”. Do đó, trước đại dịch COVID-19, người mắc ĐTĐ gặp phải những rủi ro bệnh tật rất lớn. Trong đợt dịch đầu tiên, trên thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ nhiễm COVID – 19 bị tử vong khá cao.

Người ĐTĐ nên được tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm

Vaccine phòng COVID-19 là một “lá chắn” đối với dịch bệnh này. Theo khuyến cáo của WHO và thông tin từ những hãng thuốc sản xuất vaccine, những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp và ĐTĐ type 2 nên tiêm vaccine phòng COVID-19. Vaccine giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và giảm tình trạng bệnh nặng khi nhiễm virus.

Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình: Về nguyên tắc, tiêm vaccine là để tạo ra miễn dịch cho cơ thể, nên người mắc ĐTĐ lại càng phải được tiêm và tiêm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý các vấn đề như sau:

– Không được bỏ các thuốc điều trị tăng đường huyết trước, trong và sau tiêm vaccine.

– Tại nơi tiêm phòng, phải thông báo cho bác sĩ khám sàng lọc về các thuốc đang uống. Ví dụ như thuốc hạ đường huyết loại nào, có uống kèm thuốc hạ huyết áp hay không. Đặc biệt nếu có uống thuốc chông đông máu phải thông báo với bác sĩ ngay.

– Thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh ĐTĐ và các biến chứng kèm theo. Ví dụ ĐTĐ có biến chứng thận, có biến chứng mạch máu, thần kinh….

– Tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của nhân viên y tế – nơi tiêm vaccine, về nguyên tắc theo dõi và báo cáo, xử trí… đối với người tiêm vaccine.

– Đối với từng loại vaccine đều có thể gặp những phản ứng thông thường, như: Sốt, đau đầu, mỏi cơ…, đến triệu chứng nặng hơn như là sốc phản vệ do vaccine cũng có thể xảy ra. Vì vậy, người ĐTĐ nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm có bác sĩ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm và có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Có tương tác giữa thuốc điều trị ĐTĐ với vaccine phòng COVID-19 không?

Người mắc ĐTĐ thường phải uống thuốc thường xuyên, thậm chí là rất nhiều loại thuốc để giữ đường huyết ổn định và dự phòng biến chứng. Đối với người mắc ĐTĐ có mắc kèm theo các bệnh lý khác thì lại phải uống nhiều loại thuốc phối hợp hơn. Do đó, rất nhiều người lo lắng về tương tác giữa các thuốc này và vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, PGS.TS.Tạ Văn Bình cho rằng, bệnh nhân ĐTĐ không cần quá lo lắng. Chỉ cần thông báo đầy đủ, chi tiết về bệnh tật cũng như thuốc mình đang dùng, bác sĩ sẽ có chỉ định về việc tiêm vaccine. Điều quan trọng là làm đúng những gì mà nhân viên y tế  tại cơ sở tiêm vaccine hướng dẫn.

PGS.TS.Tạ Văn Bình trả lời trực tuyến về bệnh đái tháo đường.

Thông thường thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị tăng huyết áp không ảnh hưởng gì đối với vaccine phòng COVID-19. Nhưng nếu người bệnh trước đó dễ bị dị ứng với các thành phần của mỹ phẩm, dị ứng với kháng sinh; hoặc đang uống một số loại thuốc chống đông máu thì phải thận trọng.

Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi cho QT Pharma
Gọi cho QT Pharma

Chat Zalo
Chat Zalo

Gửi Mail
Gửi Mail