Làm sao kiểm soát bệnh đái tháo đường trong mùa Đông lạnh?

Mỗi khi thời tiết trở lạnh, người bệnh đái tháo đường lại gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát đường huyết. Nguyên nhân có thể do bạn thường trở nên lười vận động, hay thèm ăn vặt hơn… trong những ngày Đông.

Dưới đây là 5 lời khuyên người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nên thực hiện để kiểm soát bệnh tốt hơn trong mùa Đông, phòng ngừa nguy cơ biến chứng đái tháo đường nguy hiểm:

Chú ý chăm sóc bàn chân, bàn tay

Người bệnh đái tháo đường cần chú ý giữ chân, tay đủ ấm và luôn khô ráo trong những ngày Đông lạnh, đặc biệt nếu bạn đã mắc biến chứng thần kinh ngoại biên và bị mất cảm giác, mất khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng/lạnh tại các chi.

Người bệnh đái tháo đường có thể bị tăng nguy cơ bị chấn thương, cước chân/tay, da khô nứt nẻ… trong những ngày lạnh. Do đó, nếu không chú ý chăm sóc bàn chân, bàn tay, các vết thương này có thể dễ bị nhiễm trùng, loét, thậm chí phải đoạn chi.

Ngoài việc giữ ấm các chi, bạn cũng nên chú ý thường xuyên dưỡng ẩm cho da, ngăn ngừa tình trạng da khô, nứt nẻ. Nếu nhận thấy tại bàn chân, bàn tay có các vết thương lâu lành, hãy đi khám ngay để được tư vấn xử trí kịp thời.

Người bệnh đái tháo đường nên chú ý giữ tay, chân ấm trong mùa Đông lạnh

Tăng cường miễn dịch

Nhiệt độ lạnh, mức độ ô nhiễm môi trường tăng cao… đều có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Điều này đặc biệt đúng với người bệnh đái tháo đường.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng đường huyết thường ở mức cao có thể ảnh hưởng tới khả năng chống nhiễm trùng tự nhiên của cơ thể. Điều này cũng có thể dẫn tới tình trạng viêm trong cơ thể, về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng đái tháo đường nguy hiểm.

Để tăng cường miễn dịch vào mùa Đông, người bệnh đái tháo đường có thể thử sử dụng các loại thảo dược như quả Amla (lý gai Ấn Độ), nhân sâm Ấn Độ, câu kỷ tử…

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Dù nhu cầu ăn vặt có thể tăng cao trong những ngày trời lạnh, người bệnh đái tháo đường vẫn nên cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát bệnh tốt hơn. Bạn nên tích cực ăn các loại rau củ, trái cây họ cam quýt, thịt nạc, các loại nấm… trong chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm này thường chứa khá nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, các vitamin nhóm B, selen, đồng… giúp tăng cường miễn dịch một cách tự nhiên.

Nếu cảm thấy thèm ăn vặt, hãy thử chọn các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt bí, hạt lanh… để ăn trong các bữa phụ. Các thực phẩm này sẽ giúp bạn tăng năng lượng, thấy no lâu hơn, đồng thời giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Duy trì thói quen tập thể dục

Trời lạnh thường khiến bạn cảm thấy lười vận động hơn, nhưng hãy nhớ rằng điều này có thể góp phần khiến đường huyết tăng cao khó kiểm soát. Ít nhất, hãy thực hiện các bài tập đơn giản như yoga, chạy bộ trên máy, hoặc tích cực làm việc nhà để giữ cho mình lối sống năng động, vận động thường xuyên.

Chú ý tới sức khỏe tinh thần

Theo Hiệp hội Đái tháo đường (Mỹ), người bệnh đái tháo đường cần cẩn thận với chứng trầm cảm theo mùa (SAD) khi bạn ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào mùa Đông. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cố gắng duy trì thói quen đi bộ ngoài trời, chủ động trò chuyện với người thân, tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia (nếu cần).

Phương Nhàn (Theo Thehealthsite)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi cho QT Pharma
Gọi cho QT Pharma

Chat Zalo
Chat Zalo

Gửi Mail
Gửi Mail