Nếu ở châu Âu việc sử dụng thuốc kháng sinh được kiểm soát rất chặt chẽ, phải có sự kê đơn của bác sĩ thì ở Việt Nam theo báo cáo của Trường Đại học Dược Hà Nội năm 2013, người Việt Nam sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần ở các nước châu Âu.
Có lẽ vì chưa nhận biết được hết những tác hại khôn lường khi lạm dụng kháng sinh nên không nơi đâu người ta sử dụng kháng sinh bừa bãi như ở Việt Nam.
Ho uống kháng sinh, cảm uống kháng sinh, sốt cũng uống kháng sinh… Hầu như bất cứ bệnh gì người dân cũng uống kháng sinh, mà phải là kháng sinh mạnh thật mau khỏi bệnh. Vì vậy thật không bất ngờ khi với tỷ lệ lạm dung kháng sinh ở thành thị là 88% và ở nông thôn là 91%. Nhưng khi biết được những tác hại mà nó mang lại, ắt hẳn mọi người sẽ phải giật mình và không dám sử dụng kháng sinh tùy tiện nữa.
1. Thuốc kháng sinh tạo ra “siêu” vi khuẩn
Sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, không theo đơn của bác sĩ có thể tạo ra hiện tượng siêu khuẩn kháng thuốc, khiến cho việc điều trị ngày càng khó khăn, nhất là khi gặp phải những căn bệnh nguy hiểm. Bởi vì thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn không chứa gen kháng thuốc, chỉ để lại những vi khuẩn chứa gen kháng thuốc, cho phép chúng nhân lên nhanh chóng rồi chuyển gen kháng thuốc sang các nhóm vi khuẩn khác. Cuối cùng, quá trình này tạo ra siêu khuẩn có khả năng kháng nhiều thuốc. Đặc biệt, con người càng lớn tuổi, càng tiếp xúc với thuốc kháng sinh thì càng mang nhiều gen kháng thuốc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ, mỗi năm trên toàn thế giới có ít nhất 2 triệu người bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó 23.000 người chết. Nếu siêu khuẩn tiếp tục phát triển với tốc độ hiện nay, đến năm 2050, con số tử vong vì những căn bệnh vốn có thể chữa được sẽ tăng lên 10 triệu.
2. Gia tăng nguy cơ ung thư
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan, sau khi so sánh dữ liệu của người sử dụng kháng sinh dài kỳ với bệnh nhân ung thư đã phát hiện sử dụng kháng sinh trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, phổi, ruột kết, buồng trứng, nội tiết, da, tuyến giáp và ung thư thận cao gấp 1,5 lần so với nhóm không dùng kháng sinh, cả nam giới lẫn phụ nữ.
3. Tổn thương chức năng gan
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng sinh rất hại cho mô gan, làm cho các chỉ số xét nghiệm chức năng gan như AST và ALT tăng vọt. Cũng vì lý do này mà những người được kê kháng sinh mạnh thường phải qua khâu xét nghiệm chức năng gan để có cơ sở kê đơn.
Đồng thời, hai tuần sau khi điều trị kháng sinh nên làm các xét nghiệm chức năng gan để có thể thấy được những bất thường liên quan đến sức khỏe gan.
4. Tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn đường ruột
Bệnh tự miễn xảy ra một khi hệ miễn dịch cơ thể không làm đúng chức năng. Bệnh tự miễn dịch là nhóm bệnh trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể nhắm nhầm mục tiêu, nói cách khác là tấn công lại chính cơ thể.
Đến nay, khoa học vẫn chưa hiểu ngọn ngành về hiện tượng nói trên, nhưng việc làm thay đổi trạng thái cân bằng của cơ thể là nguyên nhân phát sinh bệnh. Trong khi đó, lạm dụng kháng sinh dài kỳ có thể phá vỡ sự cân bằng này, gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch dẫn đến rối loạn tự miễn hoặc phát sinh bệnh mạn tính, nhiễm trùng.
5. Tăng cân
Theo các nghiên cứu được thực hiện và công bố năm 2014 và 2015, khoa học phát hiện thấy sử dụng thuốc kháng sinh liên quan đến tăng cân ở nhóm trẻ sơ sinh và lẫm chẫm biết đi. Với phát hiện trên, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần được bác sĩ tư vấn bác sĩ, nhất là thuốc kháng sinh.
6. Tiêu diệt vi khuẩn có lợi
Một trong những mặt trái của việc lạm dụng thuốc kháng sinh dài kỳ là gây hại cho khuẩn thân thiện. Thực tế, kháng sinh có phổ rộng tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và tốt.
Vì vậy nếu dùng kháng sinh không đúng hướng dẫn, lạm dụng sẽ tiêu diệt cả khuẩn có lợi có trong đường ruột, làm mất cân bằng mang tính tự nhiên của cơ thể. Từ đó cơ thể dễ mắc các bệnh nan y, như rối loạn dạ dày, làm cho các chứng bệnh nghiêm trọng hơn và làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh.
7. Gia tăng bệnh hen suyễn, dị ứng
Hen suyễn là căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, nhất là khi tiếp xúc quá nhiều chất kích thích.
Theo nghiên cứu công bố năm 2009, sử dụng kháng sinh, đặc biệt là trong giai đoạn còn trẻ dễ làm tăng nguy cơ gây bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi màng kết và eczema ở trẻ em nhóm tuổi đi học.
8. Ảnh hưởng đến thận, thính giác
Tùy thuộc vào nhóm kháng sinh mà thuốc có những tác hại khác nhau, đối với nhóm kháng sinh minoglycosid có thể gây độc tính đối với cơ quan thính giác, thận và cả trên hệ thống cơ xương. Đối với thính giác, chúng tác động xấu đến ốc tai tiền đình với các biểu hiện như ù tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn, mất thăng bằng, đặc biệt có thể mất khả năng nghe khó hồi phục
9. Rối loạn nội tiết, chức năng sinh sản
Việc dùng thuốc kháng sinh nhiều có thể gây ra những tác dụng phụ làm rối loạn nội tiết trong cơ thể và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của bạn, lạm dụng thuốc kháng sinh còn dẫn tới những rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, thống kinh, thay đổi màu sắc kinh nguyệt…
Trong khi đó có một số dòng kháng sinh khi dùng cho nam giới có thể tác động xấu đến quá trình sinh sản của tinh trùng, ảnh hưởng đến sinh tinh và gây dị dạng tinh trùng hoặc cũng có thể làm dừng quá trình sinh tinh…
10. Gây khó khăn cho chẩn đoán
Bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Nếu có tác dụng chữa trị thì cũng dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều.
Ngân Trần
Theo tạp chí Sống Khỏe