Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ngày nay, bạn có nhiều cơ hội để tìm kiếm thông tin về sức khỏe và chăm sóc bản thân tốt hơn bao giờ hết. Trong đó, hiểu về các loại thuốc được sử dụng vô cùng quan trọng.
Nếu bạn có nhiều vấn đề về sức khỏe khác nhau và phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị, bạn cần biết cách tra cứu hay thông báo với bác sĩ để tránh được các vấn đề tiềm ẩn như là tương tác thuốc.
Tương tác thuốc có thể làm giảm bớt tác dụng của thuốc, gây ra tác dụng không mong muốn hay thậm chí làm tăng tác dụng phụ của một số thuốc nhất định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc trước khi dùng và dành thời gian tìm hiểu về những tương tác thuốc có thể xảy ra.
Tương tác thuốc là gì?
Thuốc được sử dụng với mục đích điều trị một tình trạng sức khỏe nào đó, cải thiện sức khỏe và giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nhưng trong quá trình sử dụng, thuốc có thể phản ứng hoặc bị tác động bởi một yếu tố khác khiến tác dụng không như ý muốn và gây ra một số vấn đề cho người bệnh. Hiện tượng đó gọi chung là tương tác thuốc và được phân chia thành 3 loại chính:
- Tương tác thuốc – thuốc: xảy ra khi hai hoặc nhiều thuốc phản ứng với nhau, khiến bạn gặp phải những tác dụng không mong muốn. Chẳng hạn như sử dụng một loại thuốc có tác dụng an thần (gây buồn ngủ) chung với thuốc chống dị ứng (kháng histamin) có thể khiến bạn cảm thấy không tỉnh táo và dễ gặp nguy hiểm khi vận hành máy móc, tàu xe.
- Tương tác thuốc – đồ ăn/thức uống: là kết quả của hiện tượng thuốc có phản ứng với những thành phần trong thực phẩm mà bạn dùng cùng lúc đó. Điển hình là việc dùng thuốc chung với rượu hoặc đồ uống có cồn có thể làm tăng độc tính của thuốc.
- Tương tác thuốc – tình trạng sức khỏe: đây là tình trạng mà một vấn đề sức khỏe đang có gây ảnh hưởng đến thuốc điều trị và có khả năng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ như bạn là một người có huyết áp cao, bạn có thể gặp phải tác dụng không mong muốn khi dùng cùng với các thuốc trị nghẹt mũi.
Tìm hiểu về nội dung của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc
Mỗi nhãn thuốc và tờ thông tin hướng dẫn sử dụng đều in đầy đủ những thông tin về thành phần, liều dùng, cách sử dụng, cảnh báo và những thông tin cần thiết khác bao gồm những tương tác có thể xảy ra. Hơn nữa, nhãn thuốc sẽ luôn được cập nhật theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên chúng đặc biệt quan trọng đối với một người sử dụng thuốc thông minh. Bạn sẽ thấy các nội dung sau trên một tờ hướng dẫn sử dụng:
- Thành phần hoạt chất: bao gồm các chất có hoạt tính, tác dụng và cơ chế hoạt động của chúng.
- Tá dược: cho biết những thành phần không có hoạt tính nhưng có thể gây dị ứng ở một số người như tinh bột, đường, các chất tạo màu, chất kết dính…
- Công dụng/Chỉ định: cho bạn biết thuốc đó được dùng để điều trị những tình trạng sức khỏe nào.
- Tác dụng không mong muốn: nêu ra những tác dụng không mong muốn được ghi nhận trong suốt quá trình thử nghiệm và lưu hành thuốc.
- Thận trọng/Cảnh báo: cung cấp những thông tin bạn cần lưu ý khi sử dụng và những tương tác thuốc thường xảy ra, cho bạn biết trường hợp nào thì không nên sử dụng thuốc.
- Liều dùng và cách dùng: cho bạn biết liều lượng và khoảng cách giữa mỗi lần dùng thuốc sao cho an toàn, hiệu quả. Phần này cũng hướng dẫn bạn cách sử dụng đặc biệt ở một số loại thuốc nhất định.
- Một số thông tin khác như hàm lượng natri hay glucose dành cho một số đối tượng đặc biệt, cách bảo quản, dạng bào chế…
Tương tác thuốc chỉ xảy ra với thuốc được kê đơn?
Nhiều người thường cho rằng những thuốc sử dụng mà không cần kê đơn (OTC) sẽ không xuất hiện tương tác thuốc vì đó thường là những thuốc ít có tác dụng phụ và dễ sử dụng. Thế nhưng đó là một quan niệm sai lầm.
Tất cả các loại thuốc và cả những sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thảo dược đều có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với nhau hay với một số thực phẩm nhất định, cũng như bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe tại thời điểm đó.
Ví dụ như aspirin, một thành phần phổ biến trong thuốc giảm đau có thể làm tăng tác dụng của warfarin (hoạt chất chính trong thuốc chống đông máu), gây ra tình trạng xuất huyết kéo dài. Acetaminophen hay với tên gọi quen thuộc hơn là paracetamol, một thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến, cũng có thể tương tác với rượu hay đồ uống có cồn gây tổn thương gan.
Thảo dược hay một số thực phẩm chức năng cũng có khả năng tác động đến thuốc điều trị. St John’s wort, hay còn gọi là cây hạnh phúc, có thể làm tăng sự phân hủy của warfarin, thuốc tránh thai, một số thuốc hạ huyết áp như verapamil, thuốc điều trị HIV và những thuốc chống thải ghép. Từ đó, khiến quá trình điều trị không có tác dụng như mong muốn và gây ra nhiều khó khăn. Các thực phẩm chức năng có thành phần từ tự nhiên như nhân sâm, bạch quả, omega-3 hay thậm chí là thực phẩm như hành tây cũng từng được báo cáo rằng có thể tăng nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật.
Thức ăn cũng có khi tác động đến hiệu quả của thuốc sử dụng. Có những loại thuốc được khuyến cáo nên uống trước hoặc sau khi ăn, nhưng một số thuốc được khuyên uống trong bữa ăn. Do đó, việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sẽ giúp bạn dùng thuốc đúng cách.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm cụ thể gây phản ứng với thuốc như sữa, phô mai tương tác làm giảm tác dụng của kháng sinh tetracyclin. Nước ép bưởi chùm ức chế sự phân hủy của nhiều thuốc dẫn đến làm tăng nồng độ thuốc trong máu và gây ra các phản ứng bất lợi cho cơ thể.
Những cách phòng ngừa tương tác thuốc xảy ra
Đừng vì sợ tương tác thuốc có thể xảy ra mà ngại sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Bạn hoàn toàn có thể học cách sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và đề phòng những rủi ro có thể xảy ra. Thực tế, chỉ có một số ít thuốc có khoảng trị liệu hẹp (nghĩa là chỉ cần thay đổi liều lượng một chút là có thể gây độc hoặc mất tác dụng) và một số tình trạng bệnh như động kinh, trầm cảm là dễ xảy ra tương tác thuốc. Còn lại hầu hết các trường tương tác thuốc thường không đe dọa đến tính mạng. Đồng thời, các bác sĩ, dược sĩ sẽ luôn kiểm tra, đánh giá và tư vấn cho bạn những loại thuốc đang sử dụng có an toàn hay không.
Hơn thế nữa, nhờ vào truyền thông nhằm nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, bạn có thể tra cứu thông tin về các loại thuốc và tương tác phổ biến trên những website hay phần mềm uy tín. Sau đây là những cách bạn có thể áp dụng để đề phòng tương tác thuốc trong điều trị.
1. Thường xuyên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ
Hãy thông báo với bác sĩ hay dược sĩ đang kê thuốc cho bạn những sản phẩm mà bạn đang dùng bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc vitamin. Để chắc chắn, bạn có thể lập một danh sách chi tiết để đưa cho bác sĩ khi muốn sử dụng thêm hay ngừng một thuốc nào đó. Nếu bạn phát hiện ra có nguy cơ tương tác nào, hãy liên lạc ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để tìm hướng điều chỉnh.
2. Tự tra cứu lại thông tin thuốc
Bạn có thể sử dụng những công cụ trực tuyến đáng tin cậy để tra cứu thêm thông tin về các loại thuốc đang sử dụng. Không những thế, một số phần mềm còn giúp bạn nhập tên các thuốc và kiểm tra mức độ tương tác giữa chúng. Sau khi tra cứu, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn nên thảo luận cùng bác sĩ hoặc dược sĩ để có được câu trả lời hợp lý nhất.
3. Giữ lại các đơn thuốc cũ
Bạn nên giữ lại các đơn thuốc cũ hoặc cập nhật chúng trên hệ thống dữ liệu tại một bệnh viện hoặc nhà thuốc quen thuộc để bác sĩ nắm được tiền sử bệnh và những thuốc bạn đã sử dụng. Điều này sẽ giúp hạn chế tương tác thuốc xảy ra và tạo điều kiện cho bác sĩ kê đơn hiệu quả hơn.
4. Kiểm tra kỹ những tương tác có thể xảy ra với thực phẩm
Bác sĩ hay dược sĩ có thể hỏi về thói quen và chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Bởi vì một số thực phẩm thường gây ra tương tác với thuốc như các thực phẩm giàu vitamin K như gan bò, bông cải xanh, bắp cải, đậu nành… có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống đông máu (warfarin), dẫn đến có nguy cơ hình thành cục máu đông. Nước ép cam, bưởi cũng khiến thay đổi nồng độ trong máu của một số thuốc hay thực phẩm có canxi có thể liên kết với một vài hoạt chất và ngăn chặn sự hấp thụ, làm giảm tác dụng của thuốc.
5. Không sử dụng đơn thuốc của người khác
Mỗi đơn thuốc đều được kê theo tình trạng sức khỏe riêng biệt của từng người, dựa trên giới tính, tuổi tác, cân nặng, điều kiện sức khỏe hay tiền sử bệnh trước đây. Bạn không nên sử dụng đơn thuốc của người khác hay đưa đơn thuốc cá nhân cho người thân sử dụng cho dù cùng mắc một tình trạng bệnh. Việc sử dụng thuốc lung tung có thể khiến tương tác thuốc xảy ra mà bác sĩ và dược sĩ không thể nào tiên đoán được.
6. Tuân theo đúng và đủ liều lượng sử dụng
Mỗi loại thuốc đều có liều lượng và cách sử dụng được ghi trên nhãn hoặc trong toa thuốc. Một số tương tác có thể xảy ra khi dùng hai loại thuốc quá gần nhau. Do đó, bạn cần sắp xếp thời gian và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
7. Không mua thuốc không rõ nguồn gốc qua mạng
Có thể bạn sẽ mua được thuốc với giá rẻ hơn từ các trang mạng trực tuyến nhưng đó cũng là nguy cơ khiến bạn dễ dàng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Những loại thuốc hay thực phẩm chức năng xách tay chưa được nhập khẩu chính thức cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về chất lượng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tốt nhất, bạn nên mua thuốc tại các công ty phân phối hoặc tiệm thuốc uy tín, có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng.