Nhiều người đã khỏi COVID -19 nhưng sau đó lại tái nhiễm lại. Do đó, nhiều F0 luôn lo lắng về khả năng bệnh sẽ nặng hơn nếu tái nhiễm.
Các chuyên gia y tế cho rằng, ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 trước đó gặp bất cứ biến chủng nào. Hoặc ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ người bệnh khỏi lần lây nhiễm thứ hai nhưng cũng vẫn có tác dụng ngăn ngừa bệnh chuyển nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm COVID-19, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh quá gần nhau và cơ địa bệnh nền của mỗi bệnh nhân.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cũng cho rằng, trong khoảng thời gian ngắn sau khi mắc COVID, việc bị tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra, bởi người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, BS Khanh lưu ý mọi người, nếu chẳng may tái nhiễm thì cũng không nên quá hoang mang. Bởi lẽ, tái nhiễm đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, đặc biệt là người đã tiêm đủ vaccine COVID-19.
Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19.
Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 không cao và thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng không được chủ quan, xem thường vì những người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã tạo được miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi và thăm khám sớm khi có triệu chứng hậu COVID và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K.
Một nghiên cứu công bố cho thấy, nhiễm trùng sơ cấp ở những người được tiêm chủng (những người có một số miễn dịch COVID) thường ít nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng sơ cấp ở những người chưa được tiêm chủng (những người không có bất kỳ khả năng miễn dịch nào).
Do đó, có nhận định rằng, nhiễm trùng tái nhiễm sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiễm trùng ban đầu, vì người bị tái nhiễm sẽ có một số khả năng miễn dịch từ trước đối với nhiễm trùng sơ cấp của họ. Thêm vào đó, nhiều người sẽ được chủng ngừa giữa các lần nhiễm trùng của họ, điều này sẽ giúp nâng cao hơn nữa mức độ miễn dịch của họ.
Và mặc dù khả năng miễn dịch chống lại việc bị nhiễm virus coronavirus và phát triển các triệu chứng COVID suy yếu, khả năng bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong có vẻ lâu bền hơn nhiều.
Tuy nhiên, lần tái nhiễm của bạn có nghiêm trọng như lần đầu tiên hay không có thể phụ thuộc vào thời điểm bạn bị nhiễm bệnh. Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh cho thấy tỷ lệ người báo cáo các triệu chứng khi họ tái nhiễm khác nhau tùy thuộc vào biến thể mà họ có khả năng bị nhiễm ở lần thứ hai. ONS ước tính rằng tái nhiễm alpha chỉ gây ra triệu chứng cho mọi người 20% thời gian, còn tái nhiễm chủng delta gây ra các triệu chứng là 44% trường hợp và omicron là 46%.
Mức độ nghiêm trọng của COVID thay đổi từ biến thể này sang biến thể khác. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt mức độ khác biệt ở trên là do sức mạnh khác nhau của các biến thể và mức độ là do mức độ miễn dịch COVID từ nhiễm trùng trước và tiêm chủng hiện có ở người tại thời điểm đó.
Nguồn: Bộ Y tế.