Thuốc có nguồn gốc đa dạng (tự nhiên như động vật, thực vật, khoáng vật,… hoặc nhân tạo như tổng hợp hoá học, sinh học,…) do có bản chất khác nhau nên có tính chất lý- hoá học khác nhau và mức độ bền vững với các yếu tố vật lý, hoá học, sinh học, môi trường cũng khác nhau.
Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Trong những ngày hè khí hậu nóng nực, nhiệt độ có nơi tăng cao đến 38-40°C, độ ẩm nhiều khi rất cao trên 80%. Vì vậy, nếu bảo quản không tốt, không đúng thuốc rất dễ bị hư hỏng, mất tác dụng gây thiệt hại về sức khoẻ và kinh tế của người sử dụng.
Các yếu tố liên quan đến việc bảo quản thuốc:
Ảnh hưởng của độ ẩm đến thuốc: Độ ẩm cao dễ làm hút ẩm với các thuốc là các loại thuốc viên bọc đường, viên nang. Nó gây vón cục, ẩm mốc thuốc bột; làm giảm hay loãng một số thuốc có trong siro; phá huỷ các thuốc có bản chất là enzym (men tiêu hoá). Đôi khi làm mất tác dụng của một số loại kháng sinh và thuốc nội tiết; gây ra một số phản ứng hoá học, phản ứng thuỷ phân làm hỏng thuốc. Độ ẩm cao còn có khả năng làm thuốc biến đổi, hình thành chất mới gây nguy hiểm cho người sử dụng (tạo ra acid salicylic trong viên thuốc aspirin). Độ ẩm thấp có thể làm cho một số thuốc có bản chất là muối bị mất nước là ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Ảnh hưởng của nhiệt độ: Nhiệt độ cao làm cho một số phản ứng hoá học xảy ra nhanh hơn, làm thuốc mất hơi nước, kết tinh một số thuốc dạng lỏng (cồn, tinh dầu,…) gây hư hỏng các thuốc như kháng sinh, cao thuốc, cồn thuốc. Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm sẽ làm cho vi sinh vật phát triển nhanh hơn gây hư hỏng thuốc. Nhiệt độ thấp có thể gây hư hỏng một số dạng thuốc ở dạng nhũ tương hoặc kết tủa một số thuốc.
Ảnh hưởng của ánh sáng: Ánh sáng làm thay đổi màu sắc của thuốc; làm phân huỷ nhiều thuốc
Một số lưu ý khi bảo quản thuốc tại nhà:
Mỗi loại thuốc đều có khuyến nghị riêng về bảo quản do đó người sử dụng cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong hộp thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ về mọi hướng dẫn bảo quản cụ thể.
Môi trường lưu trữ, bảo quản thuốc:
– Môi trường lý tưởng của phần lớn các thuốc theo khuyến cáo là nơi có nhiệt độ là 15-25°C, độ ẩm <70%, tránh ánh sáng mặt trời.
– Tại nhà các thuốc nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô mát (trừ những thuốc bắt buộc phải để trong tủ lạnh, tủ đông) như tủ thuốc riêng, ngăn kéo tủ quần áo,… không để tủ thuốc trong phòng tắm, nhà bếp, tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em, vật nuôi.
– Không để thuốc trong cốp xe, các thuốc cần mang theo sau khi xuống xe thì nên mang theo chứ không để luôn trên xe.
Giữ thuốc trong hộp đựng ban đầu của nhà sản xuất:
– Không nên lấy thuốc ra khỏi bao bì của nhà sản xuất do các bao bì đóng gói đã được nhà sản xuất nghiên cứu phù hợp với điều kiện bảo quản của thuốc (tránh ánh sáng, chống ẩm).
– Người cao tuổi, người bệnh cần sử dụng thuốc hàng ngày thì các thuốc sau khi lấy ra khỏi bao bì đóng gói của nhà sản xuất cũng phải bảo quản tại nơi khô mát.
Bảo quản thuốc khi đi xa:
Trường hợp cần thiết phải mang thuốc khi đi xa, đi du lịch cần lưu ý đóng gói thuốc thuận tiện, giữ nguyên bao bì của nhà sản xuất, mang theo đơn thuốc (với các trường hợp xuất cảnh), chuẩn bị các phương tiện bảo quản thuốc đúng (gói chống ẩm, hộp trữ lạnh).
Bảo quản một số dạng thuốc cụ thể:
– Thuốc viên và viên nang: Để trong hộp kín, tránh ánh sáng, giữ nguyên bao bì đóng gói của nhà sản xuất. Không dùng tay ướt/bẩn khi lấy thuốc.
– Thuốc tiêm và vắc-xin: Nhiệt độ bảo quản thông thường là 2-8°C trừ trường hợp đặc biệt, do đó để trong ngăn mát tủ lạnh không bảo quản tại ngăn đá và ngăn rau (ngăn đá có nhiệt độ quá thấp và ngăn rau có nhiệt độ cao hơn gây hỏng thuốc). Không chạm tay vào vắc-xin sau khi tiếp xúc với thực phẩm.
– Insulin: Khi chưa mở nắp để tại ngăn mát tủ lạnh, sau khi mở nắp bảo quản ở nhiệt độ phòng giúp cho quá trình tiêm thuốc thuận tiện hơn (trừ khi có khuyến cáo đặc biệt của nhà sản xuất).
– Siro thuốc: Tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời, vặn chặt nắp sau khi mở để tránh vi khuẩn xâm nhập. Hầu hết siro thuốc nên được sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi mở nắp.
– Các thuốc nhỏ mắt, mũi, tai: Tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời, khi sử dụng nên nhỏ thuốc ở một khoảng cách nhất định tránh để vòi/ống thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, tai làm cho phần thuốc còn lại dễ bị nhiễm bẩn.
Trên đây, là chia sẻ về một số lưu ý bảo quản thuốc tại nhà mới nhất 2023. Hy vọng, với những thông tin trên các bạn sẽ nắm được và thực hiện đúng quy trình bảo quản thuốc để đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn:vsh.org.vn