TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam cho biết, viêm đại tràng là một tổn thương viêm nhiễm của đại tràng ở các mức độ khác nhau từ niêm mạc đến toàn bộ.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người mắc bệnh viêm đại tràng không biết mình mắc bệnh hoặc không biết sự nguy hiểm của căn bệnh này nên để lâu, dẫn đến nhiều biến chứng như giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, chảy máu nặng, ung thư đại tràng và dẫn đến tử vong.
Lứa tuổi thường gặp từ 30 trở lên, tuổi nhiều nhất là từ 45-65 tuổi, trên thực tiễn lâm sàng, có những trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi, 6 tuổi cũng mắc bệnh đại tràng. Bữa ăn của trẻ hàng ngày mất cân bằng dinh dưỡng, trẻ ăn nhiều đồ ăn nhanh, ăn thực phẩm nướng, ăn đồ rán, ít ăn rau cũng dẫn đến viêm đại tràng.
Biểu hiện của viêm đại tràng cấp tính có biểu hiện đau bụng, miệng nôn, trôn tháo…
Viêm đại tràng mạn tính có biểu hiện không trầm trọng như cấp tính như chỉ bị rối loạn phân, cơn đau bụng, cơn quặn bụng.
Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đại tràng vô cùng quan trọng giúp người bệnh phát hiện, xử trí kịp thời để phòng ung thư đại tràng.
TS.BS Lê Mạnh Cường cho biết, bệnh viêm đại tràng cần phải được điều trị, người dân nên đến nơi thăm khám gần nhất, nên tham khảo các chương trình tư vấn trực tuyến chính thống, hạn chế việc điều trị không đúng cách gây khó khăn trong điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng
TS.BS Lê Mạnh Cường cho biết, nguyên nhân có thể do vi khuẩn, vi rút, nấm, thường gặp là cơ chế tự miễn. Đây là lý do khiến chúng ta thường nhầm lẫn dẫn đến quá trình điều trị kém hiệu quả.
Nguyên nhân thứ hai là những tổn thương thực thể của đại tràng là các vấn đề ác tính như: polyp, loét, vật thể… là vấn đề ung thư đại tràng.
Một nguyên nhân nữa là bệnh stress có thể dẫn đến bệnh đại tràng.
Điều trị bệnh viêm đại tràng
Nhóm viêm đại trực tràng thể xuất huyết hay bệnh Crohn nhưng hiện nay việc gặp nhiều nhất là hội chứng đại tràng kích thích.
Để chẩn đoán tốt là nội soi và nếu thăm khám sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ khỏi.
Tuy nhiên, khi có các triệu chứng của bệnh, nhiều người thường tự ý sử dụng thuốc kháng sinh với mong muốn nhanh làm lành vết loét và giảm cơn đau từ các triệu chứng của bệnh khiến bệnh không đỡ mà lại làm bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. “Không bao giờ tự ý dùng kháng sinh vì sẽ dẫn đến kháng kháng sinh và gây khó khăn trong việc điều trị bệnh”- TS.BS Cường nhấn mạnh.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh đại tràng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bệnh viêm đại tràng liên quan đến ăn uống rất nhiều. Vấn đề thực phẩm không an toàn cũng sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhiều đợt kế tiếp sẽ dẫn đến viêm đại tràng. Hoặc do vi rút gây ra hoặc ăn phải rau sống, uống nước không đảm bảo sẽ mắc lỵ amip cũng có thể dẫn đến viêm đại tràng.
Ngoài ra, chế độ ăn nhất là nam giới uống rượu bia nhiều nhất là lớp trẻ khi đó mất cân bằng đường ruột và tiêu diệt vi khuẩn có ích và là nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng. Khi đã viêm đại tràng cần có chế độ ăn giúp đại tràng đỡ bị tổn thương. Cần ăn đủ chất dinh dưỡng theo nhóm tuổi, theo giới, theo mức lao động… Chế độ ăn khoảng 30-35 Kcal/ kg cân nặng, chất đạm cần 1-1,2 gam/ngày.
Cần tránh thực phẩm cứng, rau sống, củ sống làm tổn thương đại tràng, chọn thịt cá ăn đủ nhu cầu, chế biến hấp, kho, tránh nướng. Cần chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn nhiều dẫn đến kích thích đau bụng.
Hạn chế rượu bia, cà phê, trà đặc… để tránh tổn thương đại tràng.
“Ngoài việc tuân thủ chỉ định tái khám của y bác sĩ thì cần có chế độ ăn giảm cho gánh nặng đại tràng, dần dần bệnh cải thiện. Bổ sung thêm, sắt, kẽm giúp cho niêm mạc lành nhanh hơn. Sinh hoạt điều độ sẽ làm cho bệnh đỡ tái phát và nặng hơn” – PGS.TS Lâm chia sẻ.