Ca nhiễm cả nước tăng 12% so với tuần trước, ca nặng tăng 73%, nhiều người tái nhiễm, song các chuyên gia cho rằng khó xảy ra làn sóng Covid mới.
Bộ Y tế ghi nhận số ca nhiễm trung bình trong tuần qua là hơn 970 người một ngày – tăng 12% so với tuần trước. Trong đó, ngày 22/7 là 1.142 ca, ngày 23/7 là 1.071 ca. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp có trên 1.000 ca/ngày. Trong tuần có 329 ca nặng điều trị – tăng 73%, song không có trường hợp tử vong.
Tại các bệnh viện điều trị Covid-19, số ca nặng cũng tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Như ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối điều trị Covid-19 ở miền Bắc, các trường hợp nặng tăng gấp 4-5 so với các tháng trước. Hiện, đơn vị điều trị 25 người, đa số phải thở máy, oxy nồng độ cao; trong khi hai tháng trước chỉ tiếp nhận vài ba ca một tuần. Bên cạnh đó, bệnh viện này cũng ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân nặng đã gần kín giường của khoa, do nơi đây phải chia đôi giường để phục vụ bệnh nhân thường.
Đa số người bệnh có rất nhiều bệnh nền liên quan tới phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch, bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh máu… Họ phải thở máy, oxy dòng cao HFNC hoặc oxy mask. Người bệnh càng cao tuổi và có nhiều bệnh nền, công tác điều trị càng khó khăn.
Còn Bệnh viện Người bệnh Covid (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đang điều trị 21 bệnh nhân mức độ từ trung bình đến nặng, trong đó hai ca thở máy, ba ca thở oxy gọng (trước đó chỉ 3-4 ca). Số bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 5 ca một ngày. Bác sĩ dự báo trong tuần tới số nhập viện có thể tiếp tục tăng, song không quá tải như giai đoạn tháng 3.
Trước đó, trong làn sóng dịch Omicron, vào lúc cao điểm, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết cả nước có gần 1,4 triệu F0 cách ly, điều trị; trên 92.000 người điều trị tại bệnh viện, trong đó 3.846 ca bệnh nặng.
Theo bác sĩ Phúc, nguyên nhân số người bệnh hiện tăng cao có thể do đơn nguyên điều trị Covid-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh đã đóng cửa, bệnh nhân nặng chuyển trực tiếp về viện Nhiệt đới; hoặc là lần cuối người bệnh tiêm chủng đã kéo dài hơn 6 tháng nên nồng độ kháng thể thấp, khiến họ mắc bệnh trở lại.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Với Covid-19, corona virus nói chung, miễn dịch tạo ra từ vaccine và mắc bệnh không bền vững. Trước đây, chúng ta nhiễm các chủng corona virus nói chung, ví dụ như là cảm lạnh vào năm nay và tái nhiễm vào năm sau, hoặc nhiễm vào đầu năm và tái nhiễm vào cuối năm. Tương tự với Covid-19”.
Trong khi đó, có tình trạng một số bệnh nhân từng né tiêm vaccine, diễn biến nặng hơn người bình thường. Do đó, bác sĩ Cấp nhấn mạnh biện pháp tiêm chủng, khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine khi đến hạn, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.
Còn phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng số ca mắc tăng trở lại có thể liên quan tới biến chủng BA.4, BA.5 và do người dân chủ quan, lơ là thực hiện phòng bệnh khi cuộc sống dần trở lại bình thường. Họ không đeo khẩu trang, người có triệu chứng bệnh không cách ly, không xét nghiệm…
Theo ông, ngành y tế cần có biện pháp đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh để đáp ứng kịp thời, tránh để dịch bùng lên không kiểm soát được hoặc kiểm soát thái quá ảnh hưởng đời sống kinh tế. Căn cứ chuẩn xác hơn là số đến bệnh viện khám, số trở nặng nhập viện, áp dụng biện pháp dự phòng, kiểm soát rủi ro dựa theo từng địa bàn. Bên cạnh đó, cần bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ (mắc bệnh nền, người già, chưa tiêm vaccine, suy giảm miễn dịch…) bởi họ dù tiêm vaccine vẫn có nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao; có thể gây quá tải bệnh viện nếu mắc Covid-19.
Ngoài ra, mọi người nên tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như khử khuẩn, đeo khẩu trang khi ở môi trường kín hoặc nơi đông người. Người dân nên tiêm vaccine mũi nhắc lại để hạn chế số mắc, trở nặng.
Dự đoán liệu Covid có tái bùng phát như ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, bác sĩ Quan Thế Dân, từng tham gia hỗ trợ nhiều bệnh viện tại TP HCM chống dịch năm ngoái, cho rằng “cảnh tượng một đợt dịch chết chóc, gây khủng hoảng cả xã hội như hồi tháng 9/2021 sẽ không bao giờ lặp lại” và khuyến cáo người dân bình tĩnh, không lo sợ.
nCoV tiến hóa thành các biến chủng khác nhau nhưng độc lực gây bệnh nặng và tử vong giảm. Ngoài ra, vaccine dù giảm hiệu quả chống lây nhiễm nhưng vẫn có giá trị cao trong ngăn bệnh trở nặng và tử vong. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của ngành y trong điều trị các ca Covid nặng ngày càng phong phú. Việt Nam đã có thêm nhiều biện pháp để cứu chữa như các thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng, biện pháp hồi sức… giúp giảm tỷ lệ tử vong.
“Như vậy, theo kiến thức khoa học và kinh nghiệm từ quá khứ, chúng ta thấy trong tương lai, Covid-19 có thể còn gây ra các làn sóng dịch mới do virus tiếp tục đột biến sinh ra các biến chủng mới. Tuy nhiên tác hại của chúng giảm dần và đến một lúc nào đó, bệnh sẽ giống như cúm mùa mà thôi”, ông Dân nói.
Nguồn: vnexpress.net